TỔNG QUAN
Cao An - Vùng đất - Con người và truyền thống Lịch sử, văn hóa
05/12/2021 05:28:42

CAO AN - VÙNG ĐẤT - CON NGƯỜI VÀ
TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ, VĂN HÓA

1. Quá trình hình thành đơn vị hành chính và tên gọi

Cao An ngày nay là một trong 19 xã, thị trấn của huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Trong sự diễn biến của lịch sử, Cao An đã trải qua nhiều thay đổi về đơn vị hành chính và tên gọi khác nhau.

 Theo các tư liệu còn lại như sách Đồng Khánh địa dư chí được biên soạn thời Đồng Khánh (1886-1888), các thôn của xã Cao An hiện nay gồm có các thôn An Tĩnh (nay là Phú An) và thôn Cao Xá thuộc tổng Lai Cách; thôn An Đinh thuộc tổng Văn Thai. Hòa bình lập lại Cao An là một trong những đơn vị cấp xã thuộc huyện Cẩm Giàng, xã Cao An được củng cố kiện toàn lại gồm 5 thôn là: An Đinh, An Tĩnh, Cao Xá, Đào Xá, Đỗ Xá và Trại Trung Nghĩa. Trong thời kỳ xây dựng và phất triển làng, xã đã nhiều lần thay đổi tên gọi theo quy mô hợp tác xã. Đến ngày 06 tháng 4 năm 1990, Chính phủ ban hành Nghị định số 979-NĐ/CP, sắp xếp lại đơn vị hành chính, các xóm được đổi thành cơ sở đội sản xuất, xã Cao An được sắp xếp lại gồm 5 thôn: Phú An (An Đinh, An Tĩnh hợp lại), Cao Xá, Đào Xá, Đỗ Xá, Trung Nghĩa với 12 đội: Cao Thắng, Toàn Thắng (thôn Cao Xá); Quyết Thành, Quyết Trí (thôn Đào Xá); An Hòa, An Bình, Phú Cường, Phú Hải, An Thuận, Phú Quý (thôn Phú An); Quyết Tâm (thôn Đỗ Xá); Quyết Tiến (thôn Trung Nghĩa). Đến năm 2012, 6 đội sản xuất của thôn Phú An được hợp lại thành 3 đội: Hòa Bình (An Hòa, An Bình), Hải Cường (Phú Cường, Phú Hải), Thuận Quý (An Thuận, Phú Quý).

Cao An hiện nay có 5 thôn, 9 đội sản xuất. Các công trình trụ sở Đảng uỷ - Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân - Mặt trận Tổ quốc xã, Nhà Văn hoá xã, Trạm Y tế xã, Trường Tiểu học, Trường Trung học cơ sở được xây dựng trên địa phận thuộc thôn Đào Xá, Trường Mầm non được xây dựng ở 2 cơ sở thuộc địa phận hai thôn Phú An và Cao Xá.

2. Địa lý tự nhiên, diện tích và dân số

Cao An là một xã thuộc huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Cách trung tâm huyện lỵ 2km về phía Nam, cách trung tâm thành phố Hải Dương 6 km về phía Đông Bắc. Phía Bắc giáp xã Cẩm Vũ, phía Tây giáp xã Cẩm Định, phía Nam giáp thị trấn Lai Cách, phía Đông Bắc giáp với xã Đức Chính và xã Việt Hòa (thành phố Hải Dương).

Diện tích tự nhiên 6,65km2 với tổng chiều dài là 3,5km, rộng 1,9km,

Dân số (theo thống kê năm 2015 ) có trên 7.000 người với 2.319 hộ.       

Cao An có địa hình khá bằng phẳng, từ xa xưa vùng đất này là biển, sau những đợt biển tiến, biển lùi đã hình thành nên đồng bằng, nằm ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng của miền Bắc. Thuộc vùng khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm, gió mùa, về mùa Đông có gió Đông Bắc lạnh, rét và mưa phùn, mùa hè có gió Tây Nam nóng ẩm và mưa nhiều. Đất đai ở đây là lớp trầm tích dày, bờ rời thuộc kỷ Đệ Tứ, được hình thành chủ yếu do phù sa của hệ thống sông Thái Bình bồi lấp lên vùng biển nông. Thổ nhưỡng chủ yếu là đất phù sa không được bồi thường xuyên, nên chỉ thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, trồng 2 vụ lúa và trồng cây hoa màu.

3. Giao thông

Xã Cao An ở vị trí nằm giữa hai tuyến giao thông chính trong hệ thống giao thông Quốc gia và là một trong những điểm nút giao thông quan trọng của huyện Cẩm Giàng nên hệ thống giao thông của xã khá thuận lợi. Tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng có khoảng 2km chạy dọc toàn xã. Song song với đường sắt, tuyến đường huyện được bê tông hóa, vừa nối liền 5 thôn trong xã vừa nối xã Cao An với các xã trong huyện, giúp cho nhân dân đi lại thông thương được dễ dàng. Phía Đông Nam của xã là nhà ga xe lửa; về phía Nam, cách khoảng 1km là quốc lộ 5A; phía Tây Bắc có đường liên huyện đi ngang qua nối hai đường 5A và 5B; phía Đông Nam là đường địa giới giữa huyện Cẩm Giàng và thị xã Hải Dương, con đường này xuất phát từ đường 5A (cổng khu CN Đại An ) đi về phía Bắc đến Cảng Tiên Kiều (cảng thủy nội địa sông Thái Bình) thuộc xã Đức Chính, thuận lợi cho lĩnh vực vận tải chuyên chở hàng hóa từ cảng thủy nội địa đến các Khu công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Đến nay Cao An là một trong những xã của huyện Cẩm Giàng có hệ thống giao thông được bê tông hóa. Đây là điều kiện thuận lợi và ưu thế lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương.

Nhìn tổng quát, địa thế tự nhiên của xã Cao An có đặc điểm chủ yếu:

Thứ nhất: Có vị trí địa lí quan trọng đối với quốc phòng thời chiến cũng như thời bình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có các tuyến giao thông cấp Huyện, Tỉnh và quốc gia chạy qua.

Thứ hai: Điều kiện tự nhiên với địa hình tương đối bằng phẳng, nhìn chung thuận lợi cho phát triển kinh tế, nhất là việc xây dựng các khu công nghiệp, phát triển nông nghiệp với cây lúa và một số cây rau màu chất lượng cao.

Thứ ba:  Cao An cũng như một số xã trong huyện Cẩm Giàng, nằm trong vùng khí hậu miền Bắc nên chịu ảnh hưởng của thời tiết nhiệt đới gió mùa, hạn hán, bão lụt. Ngoài ra, do đất đai kém màu mỡ, diện tích đất canh tác dần thu hẹp cũng gây ảnh hưởng không ít đến sản xuất nông nghiệp.

4. Đặc điểm kinh tế

Cùng với cư dân trong vùng, nhân dân Cao An từ bao đời lao động đều lấy nông nghiệp làm nghề căn bản, dựa vào thời tiết, điều kiện đất đai để cơ cấu mùa vụ, cây trồng cho thích hợp. Hầu hết diện tích trồng lúa là chính, thường khi gieo trồng gặp hạn hán, mưa lụt với giống lúa cao cây, dài ngày thích nghi đất cát pha. Việc trồng lúa cũng không dễ dàng, con người phải bền bỉ, sáng tạo khai phá các đồng sâu, be bờ giữ nước, tuyển chọn giống cây trồng phù hợp vừa chịu được hạn, vừa chịu gió mưa. Vụ chiêm lúa được trồng ở ruộng sâu trũng, ruộng đất cao cây trồng chính là lạc, ngô, khoai, đậu, vừng.

Từ xưa ngoài cây lúa, cây lạc, cây khoai lang là thế mạnh sản xuất nông nghiệp của nhân dân Cao An.

Từ  một vùng đất hoang sơ, nghèo khó, sản xuất nông nghiệp vẫn là nghề truyền thống, người dân Cao An còn làm nhiều ngành nghề khác như : Dệt chiếu cói, thợ nề, thợ mộc, buôn bán nhỏ, làm hàng xáo, thợ thiếc, thợ sơn, trồng bông... để tăng thêm thu nhập.

Nhân dân Cao An đã bằng bàn tay lao động, trí tuệ của mình cần cù, chịu khó, lao động sáng tạo, vượt lên mọi khó khăn, đoàn kết trong cộng động dân cư để xây dựng cuộc sống ngày càng văn minh, hạnh phúc. 

5. Sự hình thành dân cư và truyền thống văn hóa

Theo truyền thuyết và qua khảo cứu tư liệu từ di tích văn bia và gia phả các dòng tộc hiện còn lưu giữ, dân cư ban đầu của xã Cao An được hình thành từ rất sớm. Người dân Cao An đã dựng làng, lập ấp trên mảnh đất này từ đời các vua Hùng dựng nước (khoảng từ đời Vua Hùng thứ 7 đến đời Vua Hùng thứ 18). Thôn An Đinh xưa nằm phía Tây Bắc của xã, do 6 cụ có công tạo lập, đến nay trong thôn đã phát triển thành 6 dòng họ lớn; Thôn An Tĩnh xưa (nay thuộc thôn Phú An) có tên là An Khang (tên nôm là làng Danh) nằm về phía Tây Nam của xã, do 8 cụ có công tạo lập, đến nay đã phát triển thành 8 dòng họ lớn. Các cụ có công dựng làng lập ấp và được dân làng suy tôn là “Bát vị tiên công”.

Thôn Đào xá ở trung tâm xã, thôn Cao Xá, Đỗ Xá ở phía Đông Nam. Ba thôn này do 3 danh tướng đời vua Hùng tên là Tam Quan, Sùng Công và Hiển Công có công lập lên. Truyền thuyết kể rằng, các ông đều là bậc thông minh hiển đạt, võ nghệ cao cường, sẵn sàng dùng tài sức của mình giúp vua Hùng thứ 18 dẹp giặc cứu nước. Sau khi giúp vua dẹp xong giặc ngoại xâm, đất nước thanh bình, các ông được vua phong hầu: Tam Quan được phong là “Tam Quan Đại Vương”; Sùng Công là “Pháp thiên Đại vương”; Hiển Công là “Đô thiên Đại Vương” và trở về cư trú tại Cao Xá trang, lập nên Nhất xã Tam thôn, khuyến khích nhân dân cày cấy, trồng dâu nuôi tằm, điều lợi ngày một phát triển, tai ương ngày một tiêu trừ. Sau khi vua Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho Thục Vương, các ông đã cùng Hùng Duệ Vương hóa thân bất diệt. Tưởng nhớ công lao của các ông, vua Thục Vương (An Dương Vương) đã cho lập miếu điện tại Cao Xá trang để thờ Tam Quan Thần. Cũng từ đó, trang Cao Xá tam khu được phép thờ phụng Tam Quan Thần (tức: thôn Cao Xá thờ Tam Quan Đại Vương; thôn Đào Xá thờ Pháp thiên thần; thôn Đỗ Xá thờ Đô thiên thần). Dân ba làng ghi nhớ công ơn suy tôn ba ông là thần Hoàng, lập đình miếu hàng năm thờ cúng uy nghi, trọng thể.

Quá trình hình thành, phát triển dân cư Cao An là sự quần tụ của các dòng họ với nhiều nguyên nhân, thời gian khác nhau. Qua quá trình khảo cứu, tìm hiểu các dòng họ định cư, cộng cư trên đất Cao An được biết rằng: do sự thăng trầm của lịch sử, thiên tai bão lụt, chiến tranh... nhiều dòng họ không lưu được gia phả, nên các thế hệ con cháu ít biết về những gương sáng, những tính cách, những công đức, nghĩa cử đối với họ hàng gia tộc, làng xóm, quê hương và những sự tích, câu đối, văn thơ, những bài thuốc gia truyền... và nguồn gốc tổ xưa của dòng họ mình.

Quá trình phát triển của dòng họ, dân cư gắn liền với sự hình thành của làng xã, trong suốt mấy nghìn năm lịch sử, làng xã trở thành cơ sở bền vững để bảo tồn sức sống và nền văn minh dân tộc mà bao thế hệ đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả xương máu để xây đắp. Trải qua bao đời các thế hệ nối tiếp trong các dòng họ đã xây dựng nên một cộng đồng dân cư đoàn kết, quý trọng tình nghĩa.

Từ đất hoang lau lách, tổ tiên ta đã bao đời bằng công sức của mình đã tạo thành cánh đồng 1.200 mẫu phì nhiêu mầu mỡ, thôn trang đầm ấm, với 4 mùa hoa trái sum suê, xóm làng trù phú, văn nho tài nghệ phát triển, sử sách, văn bia gia phả còn mãi lưu truyền.

Sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng là một nét đặc trưng trong truyền thống văn hóa của nhân dân Cao An.

Từ thờ phụng Thành Hoàng tại các đình, đền, miếu, nghè tượng trưng được nhân dân Cao An duy trì, gìn giữ. Các ngày lễ hội được nhân dân cúng tế, rước chu đáo uy nghiêm. Các hoạt động văn hoá dân gian được tổ chức, khơi dậy ý thức văn hoá truyền thống quê hương, hướng tới mục đích trong thờ thần là tâm niệm hướng đến điều thiện, cầu mong cho mọi sự bình an đến với mọi nhà, mọi người, thịnh vượng trong cuộc sống, cõi âm yên, cõi dương thịnh, nhà nhà vui vẻ no đủ.

 Toàn xã trước năm 1945 có 5 ngôi chùa và 5 ngôi đình tọa lạc tại 5 thôn trong xã,

 Chùa Cao Xá, được xây dựng từ thời Hậu Lê, thờ 3 vị: Tam Quan được phong là “Tam Quan Đại Vương”; Sùng Công là “Pháp thiên Đại vương”; Hiển Công là “Đô thiên Đại Vương” được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1995.

 Đình, chùa An Tĩnh xưa làm bằng gianh nên gọi là làng Gianh, Đình An Tĩnh được xây dựng lại vào năm Kỷ Dậu (1909), niên hiệu Duy Tân. Cấu trúc Đình gồm 7 gian, nghè 12 gian , miếu 3 gian và 11 gian chùa trong khu đất tổng diện tích khoảng 1 ha, đình được trùng tu tôn tạo năm 2006. Đình thôn Phú An (trước là thôn An Tĩnh ) là di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh năm 2014.

 Đình An Đinh được xây dựng lại vào năm Giáp Tý (1929) niên hiệu Khải Định gồm 5 gian. Trong đình còn lưu giữ được một số hiện vật thờ cúng thành hoàng của nhân dân còn lưu truyền đến nay. Chùa An Đinh gồm có 3 gian và 1 miếu.

Đình Đào Xá gồm 9 gian chính và 6 gian giải vũ, tổng thể là 15 gian. Đình được xây từ thời Hậu Lê, thờ thần. Trong đình có biển đề “Hùng Chiếu Định Thánh”. Chùa Đào Xá gồm 12 gian; nghè có 3 gian.

Đình Đỗ Xá không rõ năm xây dựng, gồm 5 gian và 1 quy thượng, 6 gian giải vũ. Chùa Đỗ Xá gồm 5 gian và xây lại năm 1942

Các đình, chùa, miếu, nghè tại các thôn qua thời gian và chiến tranh đều bị xuống cấp hoặc hạ giải, nay hầu hết được tôn tạo và phục dựng.

Cùng với thờ thần ở các đình, chùa, miếu, nghè, nhân dân còn thờ phụng tổ tiên ở từng gia đình, dòng họ, biểu hiện tôn trọng giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo; giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân.

Các hình thức nghi lễ, cúng bái nhằm bày tỏ lòng tôn kính của con cháu đối với những người thuộc thế hệ trước. Tục thờ cúng gia tiên ra đời từ lâu, trên cơ sở niềm tin về sự bất tử của linh hồn sau khi con người đã chết... Việc cúng được coi trọng vào ngày mất (kị nhật) nên hàng năm đều tổ chức lễ cúng tưởng nhớ người chết - gọi là ngày giỗ. Trước ngày giỗ chính có cúng Tiên thường vào buổi chiều như là lời mời, kính báo với tổ tiên và người mất. Ngoài ra, cúng tổ tiên còn làm vào ngày sóc, vọng (mùng 1, rằm hàng tháng) và vào các dịp lễ tết hay khi trong gia đình có việc như cưới vợ, gả chồng, lúc làm nhà, đi xa về hay thi cử đỗ đạt tốt đẹp bình yên để tạ ơn tổ tiên. Bàn thờ tổ tiên đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà và ở từ đường của gia tộc, đó là khoảng không gian thường nơi tổ tiên đi, về.

Việc thờ cúng tổ tiên luôn được duy trì trong các gia đình ở xã Cao An. Mỗi dòng họ thường đều có nhà thờ, các hoạt động của dòng họ có nội dung, ý nghĩa vừa mang yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, nhân văn cao cả, lòng đạo hiếu, tôn kính, uống nước nhớ nguồn, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục, xây dựng cuộc sống cho con cháu. Dòng họ còn được phát huy xây dựng mối đoàn kết, động viên con cháu bằng khuyến học, hỗ trợ xoá nghèo, góp vốn phát triển sản xuất, chia ngọt sẻ bùi, hoạn nạn... Gia đình, gia tộc “Dương danh hiển gia” được đề cao theo nội dung xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội.

Mồ mả cũng được chăm nom chu đáo, nhân dân quan niệm “Sống về mồ về mả, ai sống về cả bát cơm”. Trần (dương) sao thì âm vậy nên đồ cúng con cháu không được ăn trước. Việc thờ cúng được quy định con cháu cúng tổ tiên 5 đời (tự mình là con, tính ngược lên 4 đời là: cha mẹ (khảo), ông bà (tổ), cụ (tằng), kị (cao) tiếp đến đời thứ 5 thì chuyển dời bề trên về nhà thờ họ để thờ cúng.

Từ ngàn năm nay hình ảnh “Cây đa, giếng nước, sân đình” đã sớm đi sâu vào đời sống văn hóa của người Việt Nam; hình ảnh ấy đã gắn bó thủy chung son sắc như người bạn tâm giao với cư dân miền nông nghiệp lúa nước. Ở đâu có “cây đa” là có “giếng nước” hoặc “sân đình”, ở đó có sự giao lưu, sinh hoạt, trao đổi, có sự hiện hữu con người.

 Ngày nay, cây đa còn là biểu trưng cao quý cho một giai đoạn của đời người. Đó chính là hình ảnh “Cây cao bóng cả” trong các chương trình dành cho người cao tuổi; cây đa còn biểu trưng cho sự đoàn kết, tập hợp mọi người.

Trong đời sống cộng đồng làng xã của các ngôi làng Việt. Hình ảnh cây đa, giếng nước mái đình vẫn là những hình ảnh đẹp mang ý nghĩa biểu tượng của làng quê, hồn quê.

Sự phát triển của nông thôn mới theo hướng CNH - HĐH nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của con người về vật chất và tinh thần. Nhưng hình ảnh làng quê xưa mãi là biểu tượng của nông thôn Việt Nam không thể mờ phai trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam.

Giáo dục, thi cử

Cùng với quá trình hình thành phát triển dân cư, xây dựng đời sống văn hoá tâm linh làm chỗ dựa cho cuộc sống vật chất thì các thế hệ cư dân trên địa bàn Cao An đã không ngừng vươn lên để mở mang dân trí và đã có những thành quả trên con đường học hành thi cử. Cao An là mảnh đất có truyền thống hiếu học. Cũng như các miền quê khác, từ xưa, việc học và dạy chữ nho (chữ Hán) ở Cao An không có trường lớp mà chủ yếu là các gia đình mời thầy về nhà dạy cho con cháu, người biết chữ dạy người chưa biết chữ hoặc các gia đình khá giả, dòng tộc có điều kiện mở lớp cho 5 đến 10 cháu rồi chọn mời thầy về dạy chữ.

Trong việc học hành thi cử thời phong kiến, mặc dù thống kê chưa đầy đủ nhưng khoa bảng Hải Dương còn lưu danh: Dưới triều Quang Trung nguyên mệnh

Thôn An Tĩnh có ông Phạm Công Trị văn hay chữ tốt, có tài ứng đối. Làm quan trong triều, mỗi khi đi sứ Tầu, ông thường thay vua đối đáp và được vua phong tước “ Giả vương công hầu” nay còn câu đối đề:

“Xuất sứ công danh giáo Bắc địa

Công hầu sự nghiệp trấn Nam thiên”

Thôn An Đinh (nay là thôn Phú An) có 3 Tiến sĩ thế kỷ thứ XV1.

- Ông Nguyễn Chiên đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận 10 (1469).

- Ông Nguyễn Vĩnh Kiên năm 30 tuổi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống 5 (1502) làm chức quan Giám sát ngự sử.

- Ông Nguyễn Cung đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Bính Thìn, niên hiệu Quang Bảo 2 (1556) làm chức quan Hiến sát sứ.

Thôn Cao Xá có ông Hồ Thiêm thuộc dòng họ Đỗ Xuân làm quan trong triều, có công cứu Hoàng Tử được Vua trọng thưởng. Với lòng nhân nghĩa ông mang về xây dựng làng xóm, cứu giúp dân nghèo, khi ông mất nhà Vua xa giá về tận nơi tri ân, dân làng ghi nhớ công ơn, cứ đến mùng 4-2 (ngày ông qua đời) lại tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm.

Thế kỷ 17 đời vua Lê Dụ Tông có ông Nguyễn Đương, người làng Cao Xá. 28 tuổi, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Canh Dần, niên hiệu Vĩnh Thịnh 6 (1710). Làm quan tới chức Hàn lâm hiệu thảo

Thôn Đào Xá triều Trần có cụ Nguyễn Cao làm tới chức Thượng Tướng Quân. Hai con của cụ là Nguyễn Văn Mô và Nguyễn Hoàng là võ tướng, ba cha con cụ có công phù vua giúp nước được phong tước “Phụ Tử Công Hầu”.

Họ Đào có cụ Đào Ngọc Đang sinh năm Quý Hợi, văn hay chữ tốt, 20 tuổi đã thi đỗ tam tràng, 24 tuổi thi đỗ cử nhân, 28 tuổi thi đỗ tiến sĩ.

Thôn Đỗ Xá dòng họ Nguyễn có 18 người đỗ tú tài, văn nho lưu truyền, đến trước cách mạng tháng 8 còn nhiều thầy dạy học như các cụ Khóa Thục, Khóa Khải, Khóa Phường, Khóa Cừ...

Do nguồn tài liệu hạn chế nên có thể chưa thống kê hết những người đậu đạt, hi vọng rằng sẽ khai thác tổng hợp đầy đủ hơn trong phần phụ lục. Là “đất học”, nên dù điều kiện kinh tế khó khăn thì việc thi cử đỗ đạt ở Cao An cũng không thua kém ở các địa phương khác. Có được những kết quả ấy các thế hệ học trò đã vượt qua bao nhiêu gian lao vất vả trong cảnh đói nghèo ăn ngô, khoai, rau trừ bữa, kiên nhẫn theo đuổi con đường học tập. Việc “khổ học” là một đức tính quý, thành nếp sống văn hóa đầy bản sắc ở địa phương. Nhiều học trò phải học dưới ánh trăng, học trên lưng trâu, cành tre viết trên cát thay giấy bút... Số đông các gia đình có con đi học là để rèn luyện, bồi dưỡng đạo lí làm người, học để có người đọc văn cúng tế tổ tiên, để đọc viết các văn tự... để đừng bị coi khinh. Để động viên khuyến khích việc học, mặc dù đời sống các làng còn nghèo nhưng làng vẫn giành một phần ruộng đất công để làm học điền, biếu điền để đài thọ cho người đi học và cho ai đỗ đạt.

Cuối năm 1917, sau khi được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương, Xarô ra Nghị định ban hành cải cách hệ thống giáo dục. Thực dân Pháp chủ trương nhanh chóng xoá bỏ nền giáo dục Nho học (thực tế kì thi hương cuối cùng kết thúc vào năm 1919), đồng thời mở rộng hệ thống giáo dục Pháp - Việt. Việc tổ chức dạy học chữ Pháp và chữ Quốc ngữ rất hạn chế, mỗi tổng chỉ có một trường nên việc học của con em nghèo rất khó khăn. Nhân dân ta vốn mù chữ nay càng mù thêm, vì có lớp người biết chữ Nho nhưng mù chữ Quốc ngữ, một số gia đình có điều kiện cho con em theo học và phần lớn thi đậu sơ học, yếu lược và sau này đều tham gia phong trào yêu nước, cách mạng ở địa phương, còn đa số gia đình kinh tế khó khăn nên không thể đi học.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập năm 1930, một phong trào học Quốc ngữ được phát động, Nông hội Đỏ các làng mở các lớp dạy chữ Quốc ngữ chủ yếu là cho con em nông dân nghèo. Đặc biệt là thời kì 1936 - 1939, thực hiện cuộc vận động cải cách hương thôn, việc bỏ tế lễ bằng xôi thịt, hợp tự được vận động tích cực, bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, phong trào mở trường dạy học được phát triển mạnh mẽ, mỗi làng đều có lớp học, nhiều phường hội tương tế ái hữu, hội tư văn xuất quỹ góp vào việc chống thất học. Thầy dạy học chữ chủ yếu là những cán bộ, đảng viên, thanh niên dân chủ được tổ chức đảng phân công giao nhiệm vụ, vì thế con em các làng tham gia học rất đông, có lớp mở ban ngày, lớp mở ban đêm.

 Việc học hành thực sự được quan tâm đến người lao động bắt đầu từ ngày có Đảng và đến sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Truyền thống hiếu học của nhân dân Cao An được phát huy, phong trào khuyến học tạo động lực cho các thế hệ con cháu vươn lên, nhiều người trưởng thành trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc.

Cùng với sự phát triển của xã hội, con em Cao An có nhiều người thành đạt, tiêu biểu trên một số lĩnh vực như: Kinh tế, chính trị, quốc phòng... phát huy truyền thống của thế hệ cha anh đi trước, ngày nay các thế hệ con cháu của Cao An đang tích cực học tập công tác, sinh sống trên mọi miền đất nước, nhiều người đang giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước; nhiều người là Tiến sĩ, Thạc sĩ, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang; nhiều người là nhà doanh nghiệp thành đạt... đang phục vụ cho sự nghiệp đổi mới, dựng xây đất nước.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và trong cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ nhân dân, Cách mạng Giải phóng dân tộc và Xây dựng Chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Cao An đã phát huy truyền thống của mình góp phần xứng đáng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của toàn dân tộc, xây dựng quê hương Cao An trở thành một địa phương tiêu biểu, có đời sống xã hội khá văn minh tiến bộ, bắt kịp công cuộc xây dựng và sự nghiệp đổi mới của Đảng.



Trích Lịch sử Đảng bộ xã Cao An

Các tin mới hơn
Các tin cũ hơn
Kết quả giải quyết TTHC
Đến tháng 09 đã giải quyết:
100%
Số hồ sơ xử lý: 5701
Trước & đúng hạn: 5701
Trễ hạn: 0
Tỉ lệ trễ hạn: 0%
Chi tiết
( Cập nhật lúc:28/09/2023 21:36:22)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ CAO AN - HUYỆN CẨM GIÀNG

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Đức Mạnh

Địa chỉ: Ủy ban nhân dân xã Cao An - huyện Cẩm Giàng - tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 02203.786.689

Email: ducmanh.ubca@gmail.com

Đang truy cập: 3
Hôm nay: 14
Tất cả: 26,912