Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Cao An - Huyện Cẩm Giàng

23/4/2023  |  English  |  中文

Giới thiệu tổng quan - Xã Cao An


CAO AN – VÙNG ĐẤT, CON NGƯỜI

VÀ TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ, VĂN HÓA

 

1. Quá trình hình thành đơn vị hành chính và tên gọi:

 

Cao An ngày nay là một trong 19 xã, thị trấn của huyện Cẩm Giàng, nằm về phía Đông của huyện. Vùng đất Cẩm Giàng trong sự biến thiên của lịch sử đã trải qua nhiều thay đổi về đơn vị hành chính và tên gọi khác nhau. Thời Trần trở về trước, huyện Cẩm Giàng có tên gọi là Đa Cẩm. Năm 1460 đổi thành Cẩm Giang, năm 1533 để tránh phạm húy chúa Trịnh Giang, Cẩm Giang được đổi thành Cẩm Giàng. Năm1800, toàn huyện Cẩm Giàng có 14 tổng và 85 xã, năm 1900 có 13 tổng và 89 xã. Quy mô các tổng và xã khác nhau, không lấy diện tích đất đai, dân số mà lấy nhân đinh là nam giới từ 18 tuổi trở lên làm căn cứ.

Theo tài liệu Biên niên sử của Ngô Duy Liễn chép năm 1930, xã Cao An ngày nay được sát nhập từ ba xã: xã Cao An, xã An Tĩnh và xã An Đinh. Tài liệu chép như sau: Xã Cao An thuộc tổng Lai Cách. Phía Đông giáp xã Vũ Xá và xã Chi Các; phía Tây giáp xã Lai Cách và xã An Tĩnh; phía Nam giáp xã Hoàng Đường và xã Vũ Xá; phía Bắc giáp xã Lôi xá. Diện tích gồm 731 mẫu ta. Dân số: đinh 320 xuất, nam phụ lão ấu 1180 người. Canh phòng có 6 điếm canh: một điếm ở thôn Đỗ xá, một điếm ở bên bờ sông Đào Xá giáp đường xe lửa về phía Đỗ Xá, một điếm ở thôn Cao Xá, một điếm ở bờ sông Đào xá giáp đường xe lửa về phía Cao Xá, một điếm ở tại đường xe lửa chỗ cống đầu làng thôn Đào Xá. Thuế đinh 800 đồng, thuế điền 1120 đồng. Canh nông gồm 700 mẫu cấy mùa, 100 mẫu cấy chiêm, 150 mẫu trồng màu. Về kỹ nghệ: Thôn Cao Xá có nghề làm cốm, Đào Xá làm sơn, Đỗ Xá trồng dâu nuôi tằm. Về việc học: xã có một trường hương sư gồm 20 học trò. Hộ sinh thì theo khu mụ đỡ Lai Cách. Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, hệ thống đê đường, cầu cống có thêm đoạn đường xe lửa 1900 mét, từ ki-lô-mét 49 + 220 đến ki-lô-mét 51+ 120. Có ga xe lửa Cao Xá và các thôn đều có đường thông ra đường xe lửa.

Xã An Tĩnh tên nôm là làng Danh Trong, thuộc tổng Lai Cách. Phía Đông giáp xã Cao Xá; phía Tây giáp xã Lai Cách và xã An Đinh; phía Nam giáp xã Lai Cách; phía Bắc giáp xã An Đinh. Diện tích gồm 200 mẫu ta. Dân số: đinh 185 xuất, nam phụ lão ấu 769 người. Thôn giáp gồm 1 thôn 6 giáp: Chính Trung, Cự Đại, Đoài Nguyên, Đoài Thượng, Đông cực và Đông Tâm. Canh phòng có 2 sở điếm canh: một điếm ở đường xe lửa, một điếm ở Quán Đông giữa làng. Thuế đinh 277 đồng, thuế điền 343 đồng. Canh nông gồm 165 mẫu cấy mùa, 40 mẫu cấy chiêm. Về kỹ nghệ: đàn ông có nghề thợ sơn, đàn bà trồng bông dệt vải. Đê đường, cầu cống có đoạn đường xe lửa 944 mét, từ ki-lô-mét 48 + 140 đến ki-lô-mét 49 + 984. Đường trong làng đều lát đá. Có một cầu đá và một cống đá gọi là cống Đầu. Qua sông Chằm Vải có cống Gạch. Về việc học: xã có một trường hương sư gồm hơn 30 học trò. Hộ sinh thì theo khu mụ đỡ Lai Cách. Đời sống tâm linh và đình chùa: thôn có một đình, một chùa, một nghè và một miếu. Đình 7 gian, nghè 6 gian hậu và 6 gian tiền tế. Chùa 11 gian, miếu 3 gian. Đình thờ một vị chính và 2 vị tùng, tương truyền đều là Thiên thần có công giúp vua Lý Nam Đế thời Tiền Lý. Vị chính là Đô thiên Đại vương, hai vị tùng là Tả Kim Đại Đô Vương và Hữu kim Đại Đô vương. Câu đối thờ:

“ Lý triều hiển tích Trung Hưng thánh

           Lãng địa đằng không Thượng Đẳng thần"

 

Xã An Đinh tên nôm là làng Danh Ngoài, thuộc tổng Văn Thai. Phía Đông giáp xã Lôi Xá; phía Tây giáp xã Đức Trạch; phía Nam giáp xã Lai Cách và xã An Tĩnh; phía Bắc giáp xã Nghĩa Phú. Diện tích gồm 430 mẫu ta. Dân số: đinh 91 xuất, nam phụ lão ấu 343 người. Thôn giáp gồm 1 thôn 5 giáp: An Thọ, Kỳ Lược, Phú An, Phú Lược, Phú Thọ. Canh phòng có 2 sở điếm canh: một điếm ở đường xe lửa, một điếm ở cổng đình. Thuế đinh 277 đồng, thuế điền 664 đồng. Canh nông gồm 300 mẫu cấy mùa, 100 mẫu cấy chiêm, 30 mầu trồng màu. Đê đường, cầu cống có đoạn đường xe lửa 760 mét, từ ki-lô-mét 47 + 380 đến ki-lô-mét 48 + 140. Có một cầu đá về phía đông của làng. Về việc học: xã không có trường hương sư. Việc hộ sinh thì theo khu mụ đỡ Lai Cách. Đời sống tâm linh và đình chùa: thôn có một đình, một chùa. Đình thờ bài vị sắc phong Thần Nông Đế vị Chi thần và một phó nguyên súy phù đời Hậu Lý, sắc phong Tuấn Triết Hồng Huân anh linh hiển ứng Tĩnh nghiệp Cự sĩ Đại vương, một vị Đại tướng quân cũng phò Hậu Lý, sắc phong Nhân minh Bắc Lãng bạch đồng nam Đại tướng quân. Câu đối thờ:

“Liên hoa mộng ứng thiên sinh thánh

  Lý diệp khuông phù quốc ký công".

 

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được thành lập. Ngày 6.1.1946, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I, gần 2 tháng sau, ngày 24.2.1946, toàn tỉnh Hải Dương tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân 3 cấp để lựa chọn những đại biểu ưu tú vào cơ quan chính quyền cách mạng. Tháng 5 năm 1946, thực hiện sắc lệnh của Chính phủ và nghị quyết hội nghị đầu tiên của Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương về chủ trương xoá bỏ chính quyền cấp tổng, Huyện uỷ Cẩm Giàng đã lãnh đạo việc tổ chức lại các đơn vị hành chính. Toàn huyện có 13 tổng và 89 xã nay sát nhập lại thành 19 đơn vị.

Tháng 7 năm 1947, trước yêu cầu nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Ban Chấp hành Tỉnh uỷ đã lãnh đạo các huyện tổ chức lại các đơn vị hành chính cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới. Sau đợt giảm tô, năm 1954, các đơn vị hành chính xã, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể được củng cố kiện toàn sắp xếp lại. Toàn huyện có 17 xã và 2 thị trấn là thị trấn Lai Cách và thị trấn Cẩm Giàng. Xã Cao An được củng cố kiện toàn lại gồm 5 thôn là: An Đinh, An Tĩnh, Cao Xá, Đào Xá, Đỗ Xá và một trại công giáo là trại Trung Nghĩa.

Năm 1977, huyện Cẩm Giàng hợp nhất với huyện Bình Giang thành huyện Cẩm Bình, xã Cao An vẫn gồm 5 thôn là: An Đinh, An Tĩnh, Cao Xá, Đào Xá, Đỗ Xá và một trại công giáo là trại Trung Nghĩa.

Trong thời kì xây dựng hợp tác xã còn nhiều lần thay đổi tên gọi theo quy mô hợp tác xã. Đến ngày 6 tháng 4 năm 1990, Chính phủ ban hành Nghị định số 979-NĐ/CP, sắp xếp lại đơn vị hành chính, các xóm được đổi thành cơ sở đội sản xuất, xã Cao An được sắp xếp lại gồm 5 thôn: Phú An (An Đinh, An Tĩnh hợp lại), Cao Xá, Đào Xá, Đỗ Xá, Trung Nghĩa với 12 đội: Cao Thắng, Toàn Thắng ( thôn Cao Xá); Quyết Thành, Quyết Trí (Thôn Đào Xá); An Hòa, An Bình, Phú Cường, Phú Hải, An Thuận, Phú Quý (thôn Phú An); Quyết Tâm (thôn Đỗ Xá); Quyết Tiến (thôn Trung Nghĩa). Đến năm 2012, sáu đội sản xuất của thôn Phú An được hợp lại thành 3 đội: Hòa Bình (An Hòa, An Bình), Hải Cường (Phú Cường, Phú Hải), Thuận Quý (An Thuận, Phú Quý).

 Năm 2019, thực hiện quyết định số 1664/ QĐ-UBND ngày 14/05/2019 của UBND tỉnh Hải Dương về việc sáp nhập thôn, khu dân cư, 2 thôn Đỗ Xá và Trung Nghĩa của xã Cao An được sáp nhập thành thôn Đỗ Trung.

Hiện tại,  xã Cao An có 4 thôn là: Phú An, Cao Xá, Đào Xá, Đỗ Trung. Các công trình trụ sở Đảng uỷ - Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc xã, nhà văn hoá xã, trạm Y tế xã, trường Mầm Non, trường Tiểu học, trường Trung học cơ sở được xây dựng trên vùng đất trung tâm xã thuộc thôn Đào Xá, trường Mầm Non được xây dựng thêm cơ sở 2 thuộc địa phận thôn Phú An. 

 

2- Địa lý tự nhiên.

Cao An có diện tích tự nhiên 6.65 km2 với tổng chiều dài là 3.5 km, rộng 1.9 km, dân số trên 7000  người với 2.319 hộ. Cao An cách trung tâm huyện - Thị trấn Lai Cách 2 km về phía Đông Nam, cách trung tâm thành phố Hải Dương 6 km về phía Đông.  Các thôn trong xã nằm dọc theo đường xe lửa Hà Nội – Hải Phòng, phía Bắc giáp xã Cẩm Vũ, phía Tây giáp xã Cẩm Định, phía Nam giáp xã Lai Cách, phía Đông Bắc giáp với xã Đức Chính và xã Việt Hòa (thành phố Hải Dương)

Địa hình của xã khá bằng phẳng, từ xa xưa vùng đất này là biển, sau những đợt biển tiến, biển lùi đã hình thành nên đồng bằng, đất đai ở đây là lớp trầm tích dày, bờ rời thuộc kỷ Đệ Tứ, được hình thành chủ yếu do phù sa hệ thống sông Thái Bình bồi lấp lên vùng biển nông. Thổ nhưỡng chủ yếu là đất phù sa không được bồi thường xuyên, nên chỉ thuận cho sản xuất nông nghiệp, trồng 2 vụ lúa và hoa màu.  

Là một xã đồng bằng châu thổ thuộc huyện Cẩm Giàng, xã Cao An nằm trong phông chung của khí hậu Hải Dương - miền Bắc thuộc khu nhiệt đới ẩm gió mùa. Có gió mùa Đông Bắc lạnh về mùa đông và ít mưa, có gió Tây Nam vừa nóng về mùa hè và mưa nhiều.

Xã nằm trong vùng khí hậu chung miền Bắc với bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông khá rõ rệt, chia thành hai mùa: mùa nóng và mùa lạnh. Mùa lạnh từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau thường có gió mùa đông bắc rét buốt, bầu trời đầy mây, buổi sáng thường có sương mù, sương muối, nhiệt độ xuống thấp trong tháng 11 và tháng Giêng, có năm xuống tới 10 độ C, mưa ít nên thường hạn hán gây khó khăn cho sản xuất. Mùa nóng bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9, nhiệt độ tăng cao, nhất là tháng 7, có năm lên đến gần 40 độ C, có những đợt khô nóng kéo dài hàng tuần, đây cũng là mùa thường có bão, mưa lớn, gây ngập úng thiệt hại cho mùa màng và tài sản của nhân dân. Vượt lên mọi khó khăn, nhân dân trong xã với bản chất cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất đã giành nhiều công sức chế ngự thiên nhiên thời tiết khí hậu để xây dựng cuộc sống của mình.

 

3- Giao thông:

Xã Cao An ở vị trí nằm giữa hai tuyến giao thông chính trong hệ thống giao thông Quốc gia và là một trong những điểm nút giao thông quan trọng của huyện Cẩm Giàng nên hệ thống giao thông của xã khá thuận lợi. Tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng chạy dọc suốt toàn xã. Chạy song song với đường sắt là con đường bộ rải đá nay đã được bê tông hóa. Con đường này có vai trò vừa là đường liên xã nối liền 5 thôn trong xã vừa là đường liên huyện nối Cao An với các xã trong huyện, giúp cho nhân dân đi lại và việc thông thương được dễ dàng. Phía Đông Nam của xã là nhà ga xe lửa; phía Nam xã, cách hơn 1000m là quốc lộ 5A; phía Tây Bắc có đường liên huyện vắt ngang nối hai đường 5A và 5B; phía Đông Nam là đường nối giữa huyện Cẩm Giàng và thành phố Hải Dương, con đường này xuất phát từ đường 5A kéo ra Cảng Tiên Kiều xã Đức Chính (thuộc khu vực sông Thái Bình), rất thuận tiện cho nhân dân đi lại, đặc biệt là trên lĩnh vực vận tải chuyên chở hàng hóa từ cảng thủy nội địa đến các Khu công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đất nước.

Bằng huy động các nguồn lực trong nhân dân và hỗ trợ của các cấp, các ngành hệ thống giao thông nông thôn toàn xã tương đối hoàn chỉnh, là một trong những xã trong huyện có hệ thống giao thông được khép kín bê tông hóa.

Toàn bộ hệ thống giao thông của xã Cao An đều có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã  hội, quốc phòng, an ninh của địa phương

Nhìn tổng quát, địa thế tự nhiên của xã Cao An có  đặc điểm chủ yếu:

Thứ nhất: Cao An có vị trí địa lí quan trọng đối với quốc phòng thời chiến cũng như thời bình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có các tuyến giao thông cấp Huyện, Tỉnh và quốc gia chạy qua.

Thứ hai: Điều kiện tự nhiên với địa hình tương đối bằng phẳng, nhìn chung thuận lợi cho phát triển kinh tế nhất là việc xây dựng các khu công nghiệp, phát triển nông nghiệp với cây lúa và rau màu chất lượng cao.

Thứ ba: Bên cạnh những lợi thế, tiềm năng thì Cao An cũng như một số xã trong huyện Cẩm Giàng, nằm trong vùng khí hậu miền Bắc nên chịu ảnh hưởng của thời tiết nhiệt đới gió mùa, hạn hán, bão lụt. Ngoài ra, do đất đai kém màu mỡ, diện tích đất canh tác dần thu hẹp cũng gây ảnh hưởng không ít đến sản xuất nông nghiệp.

 

4. Cơ cấu kinh tế.

    Cư dân sống trên địa bàn xã cao An từ bao đời lao động đều lấy nông nghiệp làm nghề căn bản. Sống trên vùng đất bồi đắp của biển và sông Thái Bình thủa xưa với đất cát pha bạc màu, người dân Cao An đã phải tự vươn lên chế ngự thiên nhiên, dựa vào thời tiết, điều kiện đất đai để cơ cấu mùa vụ, cây trồng cho thích hợp với ruộng đồng. Vụ mùa hầu hết diện tích được trồng lúa ở cả ruộng sâu và ruộng cao, thường khi gieo trồng gặp hạn hán, mưa lụt với giống lúa cao cây, dài ngày thích nghi đất cát pha. Việc trồng lúa cũng không dễ dàng, con người phải bền bỉ, sáng tạo khai phá các đồng sâu, be bờ giữ nước, tuyển chọn giống cây trồng phù hợp vừa chịu được hạn, vừa chịu gió mưa. Vụ chiêm lúa được trồng ở ruộng sâu trũng, ruộng đất cao cây trồng chính là lạc, ngô, khoai, đậu, vừng.

Từ xưa, ngoài cây lúa,  cây lạc, cây khoai lang là thế mạnh sản xuất nông nghiệp của nhân dân Cao An. Chính sản lượng màu và chủng loại màu phong phú đã bổ sung vào nguồn lương thực cho nhân dân trước đây trong nền kinh tế tự cung, tự cấp và hỗ trợ một phần thu nhập đáng kể trong tiêu dùng đảm bảo cuộc sống.

Ngày nay, với chủ trương chuyển đổi cây trồng, chuyển dịch mùa vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật trong nông  nghiệp, từ chỗ sản xuất 2 vụ lúa trong năm nay tăng lên 2 vụ lúa 1 vụ màu hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng từ ruộng 2 lúa sang mô hình trang trại, vườn ao và phát triển các loại cây trồng có năng suất và giá trị kinh tế cao đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, làm thay đổi diện mạo nông thôn Cao An.

 Cùng với sản xuất nông nghiệp là nghề trồng khoai lang nổi tiếng khoai to, thơm ngon, ngọt lịm ở thôn Cao Xá và nghề thủ công mỹ nghệ - mây tre đan rất khéo léo, tài hoa của người dân thôn Phú An. Những nghề này giữ một vị trí khá quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Cao An. Vì thế, trong dân gian còn lưu truyền câu ca:

                  “ Khoai lang Cao Xá, rổ rá Phú An"

Bên cạnh các nghề trên, người dân Cao An còn làm nhiều ngành nghề khác như: dệt chiếu cói, thợ nề, thợ mộc, buôn bán nhỏ, làm hàng xáo, thợ thiếc, thợ sơn, trồng bông… để tăng thêm thu nhập. Vì thế trong dân gian còn lưu truyền câu ca dao:

“ Cao An là đất mộc nề

       Có nghề thợ thiếc có nghề thợ sơn…".

 

Hay :

                                           Dù ai buôn Tây bán Đông

Nhớ ngày giỗ Tổ Non Đông thì về.

Dù ai buôn bán trăm nghề

Nhớ ngày giỗ Tổ thì về trồng bông.

 

Từ một vùng đất hoang sơ, nghèo khó, sản xuất nông nghiệp vẫn là nghề truyền thống, nhân dân Cao An đã bằng bàn tay lao động, trí tuệ của mình cần cù, chịu khó, lao động sáng tạo, vượt lên mọi khó khăn, đoàn kết cả cộng động dân cư để xây dựng cuộc sống ngày càng văn minh, hạnh phúc. 

 

5. Sự hình thành dân cư và truyền thống văn hóa:

Vùng đất Hải Dương trong đó có xã Cao An ngày nay, từ xa xưa thuộc vùng  biển nông, được phù sa các sông Hồng, sông Thái Bình bồi đắp. Trong sự biến động của địa chất, thiên nhiên, cũng như các vùng ven biển khác của Việt Nam thuở trước, vùng đất này đã trải qua một quá trình biến đổi dữ dội của hiện tượng biển tiến, biển lùi tạo nên những bãi bồi cồn cát xen lẫn những đầm đìa lạch nước. Trên các bãi bồi, dân cư dần được hình thành. Người dân đã khai phá đất đai trồng trọt, chăn nuôi, phát triển các nghề để sinh tồn, xây dựng cuộc sống.

Kết quả điều tra khảo sát tìm nguồn gốc các dòng họ sinh sống trên đất Cao An cho thấy: đến đầu thế kỉ XIV dân cư còn rất thưa thớt. Sự phát triển của lịch sử, thế thịnh suy của các triều đại phong kiến đã tạo ra sự thiên di của con người với nhiều nguyên nhân khác nhau. Cao An là nơi hội tụ cư dân thuộc nhiều dòng họ từ các vùng miền khác nhau kết hợp với sự chuyển vùng của nhân dân các xã lân cận trong huyện về đậu cư trên đất Cao An. Tất cả đã kết thành một cộng đồng khăng khít, ổn định, luôn đóng góp phần mình hình thành xây dựng nền văn hoá vật chất, tinh thần trong thể thống nhất của nền văn hoá xứ Đông và dân tộc Việt Nam.

Theo truyền thuyết và qua khảo cứu tư liệu từ di tích văn bia và gia phả các dòng tộc thì dân cư ban đầu của xã Cao An được hình thành từ rất sớm. Người dân Cao An đã dựng làng lập ấp trên mảnh đất này từ đời các vua Hùng  dựng nước, khoảng từ đời Vua Hùng thứ 7 đến đời Vua Hùng thứ 18.  Thôn An Đinh xưa có tên là An Đinh nằm phía Tây Bắc của xã, do 6 cụ có công tạo lập và phát triển, đến nay trong thôn đã phát triển thành 6 dòng họ lớn; Thôn An Tĩnh xưa có tên là An Khang, nằm về phía Tây Nam của xã, do 8 cụ có công tạo lập, đến nay đã phát triển thành 8 dòng họ lớn. Các cụ có công dựng làng lập ấp và được dân làng suy tôn là “ Bát vị tiên công".

Thôn Đào xá ở trung tâm xã, thôn Cao Xá, Đỗ Xá ở phía Đông Nam. Ba thôn này do 3 danh tướng đời vua Hùng tên là Tam Quan, Sùng Công và Hiển Công có công lập lên. Truyền thuyết kể rằng, các ông đều là bậc thông minh hiển đạt, võ nghệ cao cường, sẵn sàng dùng tài sức của mình giúp vua Hùng thứ 18 dẹp giặc cứu nước. Sau khi giúp vua dẹp xong giặc ngoại xâm, đất nước thanh bình, các ông được vua phong hầu: Tam Quan được phong là “Tam Quan thần vị Đại Vương"; Sùng Công là “Pháp thiên Đại vương"; Hiển Công là “Đô thiên Đại Vương" và trở về cư trú tại Cao Xá trang, lập nên Nhất xã Tam thôn, khuyến khích nhân dân cày cấy, trồng dâu nuôi tằm, điều lợi ngày một phát triển, tai ương ngày một tiêu trừ. Sau khi vua Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho Thục Vương, các ông đã cùng Hùng Duệ Vương hóa thân bất diệt. Tưởng nhớ công lao của các ông, vua Thục Vương (An Dương Vương) đã cho lập miếu điện tại Cao Xá trang để thờ Tam Quan Thần. Cũng từ đó, trang Cao Xá tam khu được phép thờ phụng Tam Quan Thần (tức: thôn Cao Xá thờ Tam Quan thần vị Đại Vương; thôn Đào Xá thờ Pháp thiên thần; thôn Đỗ Xá thờ Đô thiên thần). Dân ba làng ghi nhớ công ơn suy tôn ba ông là thần Hoàng, lập đình miếu hàng năm thờ cúng uy nghi, trọng thể.

Quá trình hình thành, phát triển dân cư Cao An là sự quần tụ của các dòng họ với nhiều nguyên nhân, thời gian khác nhau. Qua quá trình khảo cứu, tìm hiểu các dòng họ định cư, cộng cư trên đất Cao An được biết rằng: do sự thăng trầm của lịch sử, thiên tai bão lụt, chiến tranh... nhiều dòng họ không lưu được gia phả nên các thế hệ con cháu ít biết về những gương sáng, những tính cách, những công đức, nghĩa cử đối với họ hàng gia tộc, làng xóm, quê hương và những sự tích, câu đối, văn thơ, những bài thuốc gia truyền... và chính nguồn gốc tổ xưa của dòng họ mình. Trải qua bao đời các thế hệ nối tiếp trong các dòng họ đã xây dựng nên một cộng đồng dân cư đoàn kết, quý trọng tình nghĩa.

Trong cuộc sống của mình nhân dân Cao An đã phải vươn lên vật lộn với thiên nhiên, đấu tranh chống áp bức, bất công, giải phóng mình khỏi nô lệ ngoại xâm, cùng chung sức xây dựng ý thức cộng đồng làng xã, phát triển thành ý thức quốc gia, dân tộc. Nhân dân Cao An đã cùng nhau xây dựng một nền văn hoá bản địa đặc sắc trong văn hoá dân tộc. Những sáng tạo văn hoá và sinh hoạt văn hoá địa phương là một dòng chảy từ quá khứ đến hiện tại và tương lai truyền qua các thế hệ con người Cao An. Các dòng họ dù từ các vùng miền khác nhau quy tụ về đây nhưng tất cả đều nhanh chóng hoà nhập để rồi cùng chung sức xây dựng cộng đồng, mỗi người đều quan tâm, tôn trọng, giúp nhau trong lúc đơn côi, bệnh tật, thiếu thốn, hoạn nạn hay việc hiếu, hỉ đều cùng chia sẻ. Ở mỗi gia đình, cá nhân đều tìm thấy ở làng xã mình không chỉ là chỗ dựa về vật chất mà chủ yếu là tình cảm, tinh thần nên họ luôn thể hiện được nghĩa vụ, trách nhiệm đối với cộng đồng và dân tộc.

Quá trình phát triển của dòng họ, dân cư gắn liền với sự hình thành của làng xã, trong suốt mấy nghìn năm lịch sử, làng xã trở thành cơ sở bền vững để bảo tồn sức sống và nền văn minh dân tộc mà bao thế hệ đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả xương máu để xây đắp. Truyền thống dân tộc hình thành thể hiện rất đa dạng và phong phú ở làng xã và trong nhân dân.

Cả xã có 12 chòm xóm, trải qua các triều đại với nhiều biến đổi, người dân 5 thôn làng đã vượt qua binh biến, khó khăn, bằng sức lao động và sáng tạo, một số đoạn đường của các làng trong xã được lát đá xanh rồi thay bằng đường gạch lát dọc ngang, nay là đường bê tông thuận lợi, cây cao bóng cả. Ngày đó những lũy tre kiên cố - biểu tượng của làng quê luôn chở che, bao bọc cho mỗi ngôi nhà, mỗi cuộc đời của người dân Cao An và vững bền trong bão táp, bom rơi, cùng người dân Cao An chống giặc, cướp, bảo vệ cuộc sống yên lành.

Từ đất hoang lau lách, tổ tiên ta đã bao đời bằng công sức của mình biến tạo thành cánh đồng 1.200 mẫu phì nhiêu mầu mỡ, thôn trang đầm ấm, với 4 mùa hoa trái xum xuê, xóm làng trù phú, văn nho tài nghệ phát triển, sử sách,văn bia gia phả còn mãi lưu truyền.

Người dân Cao An cùng uống chung giếng nước, cùng hàn huyên, trò chuyện dưới bóng mát cây đa làng. Những con người nơi đây đã tắm mình trong truyền thống dựng nước, giữ nước oanh liệt của dân tộc. Từ bao đời, người dân trong xã đã cùng nhau rèn luyện trong mọi hoàn cảnh lịch sử và tự nhiên để xây dựng và bảo vệ quê hương, luôn nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và trong cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ nhân dân, Cách mạng Giải phóng dân tộc và Xây dựng Chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Cao An đã phát huy truyền thống của mình góp phần xứng đáng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của toàn dân tộc, xây dựng quê hương Cao An trở thành một địa phương tiêu biểu, đời sống xã hội văn minh tiến bộ bắt kịp công cuộc xây dựng và sự nghiệp đổi mới của Đảng.

 

6-    Giáo dục, thi cử :

Cùng với quá trình hình thành phát triển dân cư,  xây dựng đời sống văn hoá tâm linh làm chỗ dựa cho cuộc sống vật chất thì các thế hệ cư dân trên địa bàn Cao An đã không ngừng vươn lên để mở mang dân trí và đã có những thành quả trên con đường học hành thi cử. Cao An là mảnh đất có truyền thống hiếu học. Cũng như các miền quê khác, từ xưa, việc học và dạy chữ nho (chữ Hán) ở Cao An thường không có trường lớp mà chủ yếu là các gia đình mời thầy về nhà dạy cho con cháu, người biết chữ dạy người chưa biết chữ hoặc các gia đình khá giả, dòng tộc có điều kiện mở lớp cho 5 đến 10 cháu rồi chọn mời thầy về dạy chữ.

Trong việc học hành thi cử thời phong kiến, mặc dù thống kê chưa đầy đủ nhưng khoa bảng Hải Dương còn lưu danh: Dưới triều Quang Trung nguyên mệnh, thôn An Tĩnh có ông Phạm Công Trị văn hay chữ tốt, có tài ứng đối. Làm quan trong triều, mỗi khi đi sứ Tầu, ông  thường thay vua đối đáp và được vua phong tước “ Giả vương công hầu" nay còn câu đối đề:

“Xuất sứ công danh giáo Bắc địa

Công hầu sự nghiệp trấn Nam thiên"

 

Thôn Cao Xá có ông Hồ Thiêm thuộc dòng họ Đỗ Xuân làm quan to trong triều, có công cứu Hoàng Tử được Vua trọng thưởng. Hết lòng vì dân, ông đã mang tiền thưởng vua ban về xây dựng làng xóm, cứu giúp dân nghèo. Khi ông mất, nhà Vua đã xa giá về tận nơi tri ân. Dân làng ghi nhớ công ơn, cứ đến mùng 4-2 (ngày ông qua đời) lại tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm.

Thôn Đào Xá, triều Trần, có cụ Nguyễn Cao làm tới chức Thượng Tướng Quân. Hai con của cụ là Nguyễn Văn Mô và Nguyễn Hoàng là võ tướng, ba cha con cụ có công phù vua giúp nước được phong tước “ Phụ Tử Công Hầu".

Họ Đào có cụ Đào Ngọc Đang sinh năm Quý Hợi văn hay chữ tốt 20 tuổi đã thi đỗ tam tràng, 24 tuổi thi đỗ cử nhân, 28 tuổi thi đỗ tiến sĩ.

Thôn Đỗ Xá dòng họ Nguyễn có 18 người đỗ tú tài văn nho lưu truyền, đến trước cách mạng tháng 8 còn nhiều thầy dạy học như các cụ Khóa Thục, Khóa Khải, Khóa Phường, Khóa Cừ…

(Do nguồn sử liệu hạn chế vì không lưu giữ được những bút tích, ghi chép của các dòng họ nên có thể chưa thống kê được hết những người đậu đạt, hi vọng rằng sẽ khai thác tổng hợp đầy đủ hơn trong phần phụ lục).

 Là "đất học", nên dù điều kiện kinh tế khó khăn thì việc thi cử đỗ đạt ở Cao An cũng không thua kém ở các địa phương khác. Có được những kết quả ấy các thế hệ học trò đã vượt qua bao nhiêu gian lao vất vả trong cảnh đói nghèo ăn ngô, khoai, rau trừ bữa, kiên nhẫn theo đuổi con đường học tập. Việc "khổ học" là một đức tính quý, thành nếp sống văn hóa đầy bản sắc ở địa phương. Nhiều học trò phải học dưới ánh trăng, học trên lưng trâu, cành tre viết trên cát thay giấy bút... Số đông các gia đình có con đi học là để rèn luyện, bồi dưỡng đạo lí làm người, học để có người đọc văn cúng tế tổ tiên, để đọc viết các văn tự... để đừng bị coi khinh. Để động viên khuyến khích việc học, mặc dù đời sống các làng còn nghèo nhưng làng vẫn giành một phần ruộng đất công để làm học điền, biếu điền để đài thọ cho người đi học và cho ai đỗ đạt.

Cuối năm 1917, sau khi được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương, Xarô ra Nghị định ban hành cải cách hệ thống giáo dục. Thực dân Pháp chủ trương nhanh chóng xoá bỏ nền giáo dục Nho học (thực tế kì thi hương cuối cùng kết thúc vào năm 1919), đồng thời mở rộng hệ thống giáo dục Pháp - Việt. Việc tổ chức dạy học chữ Pháp và chữ Quốc ngữ rất hạn chế, mỗi tổng chỉ có một trường nên việc học của con em nghèo rất khó khăn. Nhân dân ta vốn mù chữ nay càng mù thêm, vì có một số người biết chữ Nho nhưng mù chữ Quốc ngữ, một số gia đình có điều kiện cho con em theo học và phần lớn thi đậu sơ học, yếu lược và sau này đều tham gia phong trào yêu nước, cách mạng ở địa phương, còn đa số gia đình kinh tế khó khăn nên không thể đi học.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập năm 1930, một phong trào học Quốc ngữ được phát động, Nông hội Đỏ các làng mở các lớp dạy chữ Quốc ngữ chủ yếu là cho con em nông dân nghèo. Đặc biệt là thời kì 1936 - 1939, thực hiện cuộc vận động cải cách hương thôn, việc bỏ tế lễ bằng xôi thịt, hợp tự được vận động tích cực, bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, phong trào mở trường dạy học được phát triển mạnh mẽ, mỗi làng đều có lớp học, nhiều phường hội tương tế ái hữu, hội tư văn xuất quỹ góp vào việc chống thất học. Thầy dạy học chữ chủ yếu là những cán bộ, đảng viên, thanh niên dân chủ được tổ chức đảng phân công giao nhiệm vụ, vì thế con em các làng tham gia học rất đông, có lớp mở ban ngày, lớp mở ban đêm.

 Việc học hành thực sự được quan tâm đến người lao động bắt đầu từ ngày có Đảng và đến sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Truyền thống hiếu học của nhân dân Cao An  được phát huy, phong trào khuyến học tạo động lực cho các thế hệ con cháu vươn lên, nhiều người trưởng thành trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc.

Cùng với sự phát triển của xã hội, ngày nay con em Cao An đã có nhiều người thành đạt trên các lĩnh vực khác nhau. Các thế hệ con cháu của người dân Cao An đang học tập công tác, sinh sống trên mọi miền đất nước vẫn đang kế thừa và tiếp nối truyền thống hiếu học của quê hương. Nhiều người đang giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước; nhiều người là Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang; nhiều người là nhà doanh nhân thành đạt... đang phục vụ cho sự nghiệp đổi mới, dựng xây đất nước.

                                                      

7-    Đời sống tín ngưỡng, tâm linh.

Trong suốt quá trình sinh tồn, xây dựng cuộc sống, con người luôn phải đương đầu với thiên tai hạn hán, bão lụt, chiến tranh, bệnh tật, biến động xã hội tàn phá. Khi con người chưa đủ điều kiện khống chế, ngăn chặn, khắc phục vượt qua hoàn cảnh và chính bản thân mình và đồng thời cũng để tôn vinh ngưỡng mộ, kính trọng, biết ơn và phát huy những giá trị truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc, tiêu biểu là những vị tiên liệt thì họ đã lấy cái trừu tượng thiêng liêng, cao cả được thể hiện ở những biểu tượng, hình ảnh, ý thức làm chỗ dựa tinh thần, coi đó là một sức mạnh tâm linh vô cùng to lớn. Vì thế, Đình- Chùa- Đền - Miếu – Nhà thờ họ được xây dựng và đóng vai trò quan trọng trong đời sống của nhân dân. Đó là văn hoá tín ngưỡng, tâm linh một nét của bản sắc văn hoá truyền thống của làng xã Việt. Cũng chính ở đây, con người mới tìm thấy một đức tin, họ cầu mong phù hộ độ trì cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng được sống trong bình yên, khoẻ mạnh, tránh được rủi ro bất hạnh; hi vọng mưa thuận, gió hoà, gia đình vui vẻ hạnh phúc, xã hội tự do, bình đẳng hoặc muốn tiêu diệt kẻ ác bất lương và có cả ước nguyện báo ứng cho nhân dân tránh được tai hoạ.

      Cùng với thờ Khổng Tử, ông tổ của Nho giáo, tín ngưỡng chính của người dân xã Cao An là thờ Phật. Đạo Phật đi vào quần chúng nhân dân và để lại dấu ấn khắp nơi bằng những ngôi chùa. Toàn xã Cao An có 5 ngôi chùa. Chùa Cao Xá – Di tích lịch sử quốc gia, được xây dựng từ thời Hậu Lê, với tổng diện tích là 600m2 đất, ở khu vực phía Tây của làng Cao Xá. Các thôn còn lại mỗi thôn cũng có một ngôi chùa. Mỗi ngôi chùa đều được dựng ở khu đất thu giữ khí thiêng trời đất, nơi đất cao, tươi nhuận, cây cối tốt lành, chim khôn quần tụ, nơi tụ linh, tụ phúc, hướng chùa bát nhã (trí tuệ) phát triển thiện tâm. Quanh chùa thường trồng những cây thiêng như đại, đề, sung, trúc, người vào chùa có cảm giác đầm ấm, trong sáng, thanh tịnh hướng về Phật, hướng con người tránh các điều ác và hành thiện, tự tìm lấy cái bản chất tốt đẹp của mình. Người dân đến chùa cầu mong cho mình thoát khỏi vòng khổ đau, được hưởng phúc lành, được độ trì che chở.

       Ngoài chùa, ở mỗi làng trong xã Cao An đều có những ngôi đình, nghè hoặc đền và người dân đã chọn cho mình một vị thần để làm Thành Hoàng.

       Từ xa xưa bằng tài nghệ điêu luyện, bằng công công sức tiền của, nhân dân Cao An  đã xây dựng lên 10 ngôi đình, chùa và nhiều đền miếu bằng gỗ lim, cao to bền vững, tường xây mái ngói, chạm trổ long ly quy phượng, sơn son thiếp vàng, đục chuông, tô tượng với những cấu trúc tinh xảo, đưởng nét độc đáo gắn liền với các triều đại xưa.

Theo niên hiệu đề Đình, đình các thôn  Cao Xá - Đào Xá - Đỗ Xá được xây dựng từ triều hậu Lê, kiến trúc theo kiểu Thượng chung Hạ chí.

Đình thôn Cao xá – Di tích lịch sử Quốc gia, được xây từ cuối thời nhà Hùng, thờ Đức Tam Quan Thần vị Đại Vương. Nghè Cao Xá không rõ năm xây dựng nhưng hiện nóc nghè còn in rõ dòng chữ được khắc trạm : Thành Thái Thập lục niên – Tuế thứ - Giáp Thìn – Bát nguyệt – Cát nhật Trùng tạo. (Tạm dịch là: Ngày lành, tháng tám, năm Giáp Thìn, đời Vua Thành Thái năm thứ 10 – trùng tạo).

Đình Đào Xá gồm 9 gian chính và 6 gian giải vũ, tổng thể là15 gian. Đình được xây từ thời Hậu Lê, thờ thần. Trong đình có biển đề “Hùng Chiếu Định Thánh". Chùa  Đào Xá gồm 12 gian ; nghè có 3 gian.

Đình Đỗ Xá  không rõ năm xây dựng lạị, gồm 5 gian và 1 quy thượng, 6 gian giải vũ. Chùa Đỗ Xá xây lại 1942 gồm 5 gian.

Đình - chùa An Đinh, An Tĩnh xưa làm bằng gianh nên gọi là làng Gianh, sau được xây dựng lại. Đình An Tĩnh xây dựng lại vào năm Kỷ Dậu (1909), niên hiệu Duy Tân, cấu trúc Đình gồm 7 gian, nghè 12 gian , miếu 3 gian và 11 gian chùa trong khu đất tổng diện tích khoảng 1 ha.

 Đình An Đinh được xây dựng lại vào năm Giáp Tý (1924) niên hiệu Khải Định, gồm 7 gian (tính cả hậu cung). Trong đình hiện còn lưu giữ được một số hiện vật thờ cúng thành hoàng của nhân dân còn lưu truyền đến nay. Chùa An Đinh gồm có 7 gian và 1 miếu.

  Cùng với thờ thần ở các đình, đền, nghè, miếu, nhân dân Cao An còn thờ phụng tổ tiên  ở từng gia đình, dòng họ - một biểu hiện tín ngưỡng có tính văn hoá tốt đẹp của người Việt Nam. Mồ mả tổ tiên cũng được các thế hệ con cháu chăm nom chu đáo. Nhân dân quan niệm "Sống về mồ về mả, ai sống về bát cơm". Trần (dương) sao thì âm vậy nên đồ cúng con cháu không được ăn trước. Việc thờ cúng được quy định con cháu cúng tổ tiên 5 đời (tự mình là con, tính ngược lên 4 đời là: cha mẹ (khảo), ông bà (tổ), cụ (tằng), kị (cao) tiếp đến đời thứ 5 thì chuyển dời bề trên về nhà thờ họ để thờ.

        Việc thờ cúng tổ tiên luôn được duy trì trong các gia đình ở xã Cao An. Mỗi dòng họ đều có nhà thờ, các hoạt động của dòng họ có nội dung, ý nghĩa vừa mang yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, nhân văn cao cả, lòng đạo hiếu, tôn kính, uống nước nhớ nguồn, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục, xây dựng cuộc sống cho con cháu. Dòng họ còn được phát huy bằng việc xây dựng khối đoàn kết, động viên con cháu bằng khuyến học, hỗ trợ xoá đói giảm nghèo, góp vốn phát triển sản xuất, chia ngọt sẻ bùi, khó khăn hoạn nạn... Gia đình, gia tộc "Vinh danh hiển gia" được đề cao theo nội dung xây dựng gia đình văn hoá, làng xóm, khu dân cư văn hoá, góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội, cộng đồng.​