Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Cao An - Huyện Cẩm Giàng

23/4/2023  |  English  |  中文

THẦN TÍCH VỀ TAM QUAN ĐẠI VƯƠNG

Theo Ngọc phả ghi lại về ba vị đại vương thời Hùng vương được ghi trong “Quốc triều lễ bộ chính bản" và được dịch giả Ngọc Lan dịch tháng 3/1991, tháng 6/1999 (Kỷ Mão) – Bảo tàng Hải Dương - GĐ Tăng Bá Hoành duyệt lưu bản dịch thì Tam Quan thần vị đại vương (Tam Quan Công) được thờ phụng tại Đình thôn Cao Xá , Pháp thiên thần (Sùng Công) được thờ phụng tại Đình thôn Đào Xá, Đô thiên thần (Hiển Công) được thờ phụng tại Đình thôn Đỗ Xá, cùng thuộc Cao Xá trang – nơi thờ đức Tam Quan thần vị đại vương. Cao Xá trang gồm ba thôn Cao Xá, Đào Xá và Đỗ Xá thuộc xã Cao An ngày nay.

Tam Quan thần, Pháp thiên thần và Đô thiên thần là những người đã có công cùng với Tản Viên Sơn Thánh và các gia thần giúp vua Hùng Duệ Vương chiến thắng Thục vương và quân xâm lược nhà Thục mang lại hòa bình, an yên và thịnh trị cho đất nước. Tam Quan thần, Pháp thiên thần, Đô thiên thần đã thăng thiên hóa sinh bất tuyệt cùng với vua Hùng Duệ Vương, Tản Viên Sơn Thánh sau khi nhà vua nhường ngôi cho Thục vương.

Lược sử tóm tắt về lai lịch và thần tích của các ngài Tam Quan thần vị đại vương (Tam Quan Công), Pháp thiên thần (Sùng Công) và Đô thiên thần (Hiển Công) được chép trong ngọc phả như sau:

 

  1. Lai lịch:

              Nước Việt Nam xưa trời đất đã định vị, núi sông đã phận gianh sách trời. Sao Đức Chân đã phân rõ biên cương. Triều Hùng Vương mở mang nghiệp nước, Thánh Tổ ứng đỗ được 18 đời, tới hơn Hai ngàn năm đất nước đều thịnh trị. Đời đời cha truyền con nối, nối tiếp nhau xưng hiệu là Hùng Vương. Ngựa Bạch xa thư, sơn hà thống nhất, đó là tổ tiên của dân Bách Việt, xây cơ nghiệp truyền đến đời Duệ Vương - Là người đại lược hùng tài nối nghiệp tổ tiên đời thứ 18, cơ đồ đất nước hưng thịnh. Người một lòng tu nhân tích đức, luôn luôn phòng bị quân tinh nhuệ nơi biên cương để bảo vệ cuộc sống yên bình trong nước.

     Hồi đó ở Phủ Hưng Hóa huyện Gia Lưu có người họ Nguyễn tên là Cao Hãnh, vợ họ Đinh tên là Thị Nguyên, hai vợ chồng đều đức hạnh nhân từ. Ngày đêm tu nhân tích thiện. Người em trai là Cao Bàn vợ là Tạ Thị Loan, họ đã gần 50 tuổi mà vẫn chưa có con, suốt đời tu nhân tích đức, thường đem của cải của mình đề cứu giúp người nghèo. Bấy giờ vào mùa Xuân tháng Giêng, chim đua ca, hoa đua nở, mọi người nô nức đi du xuân. Hai anh em cũng sửa soạn hành lễ, leo lên Tản Lĩnh linh sơn để du ngoạn. Khi về vừa đến chân núi thì gặp một cụ già đầu tóc bạc phơ, tay dắt mấy cháu nhỏ cầm bầu rượu quầy quanh mâm cỗ. Hai anh em nói với nhau:

    - Bậc Tiên ông này là Thần của Tản Linh Sơn không phải là người thường.

    Hai anh em quỳ lạy trước Tiên ông và nói

    - Chúng con nay may mắn gặp được Tiên ông, mong Tiên ông cứu giúp gia cảnh chúng con. Chúng con gặp được Tiên ông đây khác nào mây sương thấy trời xanh, mong tiên ông rộng lòng nhân đức cứu giúp chúng con. Chúng con muôn vàn cậy nhờ ơn tấm lòng đại đức của Tiên ông đó.

    Ông già thấy vậy liền nói:

    - Ta không phải tiên cũng chẳng phải thánh, ta chỉ là người bình thường trong dân gian đi dao du ngoạn thưởng cảnh mây nước xem thế gian, họa phúc về bản tâm. Nay ta gặp các khanh, thấy các khanh gia hậu phúc báo, ta đã từng quan sát trên núi có một nơi quý địa. Đem bảo cốt tiên tổ đặt vào đó, đến một trăm ngày thì sinh thánh tử.

    Câu chuyện chưa rõ ngọn ngành, lưỡng công cúi đầu bái tạ, khi ngẩng lên thì Tiên ông đã biến mất. Hai anh em trở về nhà theo lời Tiên ông chỉ giáo, lấy bảo cốt tiên tổ theo hướng chữ Đinh (J) mai táng. Xong việc về nhà lập bàn cầu đắc tiên địa bách thân. Từ đó những điều cầu đắc đều được linh thiêng hiển ứng. Vạn sự đều nhờ ơn thần linh, âm dương phù trợ.

    Trăm ngày sau, vợ của hai anh em đều có mang, ngày tròn tháng đủ. Ngày mồng Bảy tháng Giêng năm Đinh Hợi vợ người anh là Đinh Thị sinh được một cậu con trai. Vợ người em sinh được hai cậu con trai. Các cậu đều thuần phong chân chính, khí độ khôi ngô. Được trăm ngày, người anh đặt tên cho con mình là Tuấn Công. Người em đặt tên cho con mình là Sùng Công và Hiển Công. Ngày qua tháng lại ba anh em tìm thầy học, họ đều khôi ngô tuấn tú, thông minh, lanh lợi, văn chương quán triệt võ nghệ tinh thông. Trên thiên văn, dưới địa lý, không sự việc nào mà không biết, không sự vật nào là không hay, mọi người đều cho là Thánh động. Năm 16 tuổi cha mẹ của ba anh em chẳng may cùng qua đời. Ba anh em kêu khóc thảm thiết mấy ngày dòng, rồi chọn nơi đất tốt để mai táng cha mẹ và phụng sự hương hoa, chỉ thẹn chưa báo đền ơn sâu dưỡng dục của Người. Từ đó cuộc sống của ba anh em thật chật vật khó khăn. Họ bàn tìm kế sinh nhai, lấy sách làm tài sản. Ba anh em đến tận lĩnh linh nhờ Ma Thị Cao Sơn thần nữ để sinh sống, hàng ngày phải hái rau rừng nấu ăn, lên núi kiếm củi nuôi thân. Một hôm hai anh em chặt cây gỗ to, phạt hết cành lá, khi vừa về đến nhà thì tự nhiên cây lại đâm chồi nấy lộc, cành lá xum xuê tươi tốt như cũ. Mấy chục lần đều như vậy, Tuấn Công lấy làm ngạc nhiên bèn nảy ra ý định khám phá xem cụ thể thế nào? Rồi một hôm vào cuối canh tư, Tuấn Công ra chỗ cây gỗ chặt lấp xem thế nào thì thấy có một cụ già cầm chiếc gậy trúc trượng theo sau có một em bé cầm chiếc chiêng đồng, em bé đánh ba hồi chiêng, cụ già cầm chiếc gậy trúc trượng chỉ vào cây gỗ, cây tự nhiên đâm chồi nảy lộc cành lá tốt tươi như cũ. Tuấn Công chạy ra ôm chầm lấy cụ già và nói:

    - Cụ ở đâu tới mà đem lòng tiếc thương cây gỗ như vậy, cụ hãy giúp chúng con qua cảnh bần hàn, đó cũng là mong muốn của nhân dân vậy.

     Cụ già đáp:

    - Ta là Thần Thái Bạch, Tử ngục Thiên tướng khâm phục Thiên đình, lãnh nhiệm vụ quan sát núi rừng, nay cây kia là cây Ngô Đồng cây báu của núi rừng sinh Thánh chúa, không được chặt đi.

    Tuấn Công liền đáp:

    - Nếu vậy từ nay chúng con không dám chặt cây nữa. Anh em chúng con không còn cách nào sinh sống muốn cụ trao cho chiếc gậy trúc trượng và dạy chúng con Thần chú, dẫu cụ có chửi mắng chúng con cũng cam lòng, chỉ mong sao cứu cho nhân gian khỏi tai họa để báo đáp ơn sâu dưỡng đục của cha mẹ.

    Cụ già liền trao cho ba anh em chiếc gậy trúc trượng và nói:

    - Đầu trên của gậy có khả năng cứu người sống lại, đầu dưới của gậy trị tội ác, chỉ núi, núi chuyển trời, chỉ xuống nước, nước khô cạn, chỉ lên trời tức thì mây bay sương tan thấu triệt thiên cơ hùng thần trọng thay.

     Chưa dứt lời Tuấn Công liền làm lễ bái tạ cụ già vừa trao cho chiếc gậy trúc trượng. Sau đó mấy anh em cùng nhau du lạc. Một hôm đến chân núi bỗng thấy hổ báo lang sói một bầy trăm con đang đứng ở con đường phía trước. Ông Tuấn lấy gậy trúc trượng chỉ thẳng một cái, tức thì các vật ác thú sợ hãi chạy chốn mất. Có một lần, ông Tuấn đi về phía nam, được một quãng đường đến giữa bãi cát cạnh sông, thấy một đứa trẻ chăn trâu đánh chết một con rắn đen. Tuấn Công cho đứa trẻ 16 văn thủ để đổi lấy con rắn rồi dùng gậy chỉ vào con rắn và đọc thần chú. Bỗng nhiên trong khoảnh khắc con rắn sống lại, cúi đầu bái tạ anh em Tuấn Công và rẽ nước bỏ đi. Tuấn Công cho rằng đó là con của Long Vương. Sau đó mấy anh em trở về Sơn Cương. Tháng sau Long Vương sai tướng Xích Lân mang đến cho Tuấn công một sách ước, Tuấn Công cùng hai người em hẹn thư giao ước. Tuấn Công tặng các anh em công thư ước. Ước thư đầu ước thành nhà cửa, lâu đài, vàng bạc đề báo ơn sâu dưỡng dục của cha mẹ, cứu thê gian khói tật bệnh khốn nghèo. Đời bấy giờ tôn xưng ông là Sơn Thánh Tản Viên (tức Tuấn Công). Họ Ma đem rừng núi điền địa, khê cừ lập chúc thư giao tất cả lại cho Sơn Thánh. Sơn Thánh nhận và đem điền sản đó chia lại cho 2 người em.

    Chia cho em thứ nhất là: Sùng Công ở Lòn Sơn gọi là Tản Viên thần.

    Chia cho em thứ hai là: Hiển Công ở khoảnh núi Lãng Sơn gọi là Hữu Kiên thần. Rồi từ đó Sơn Thánh thăng thiên nhập địa biến hóa vô cùng.

     
  2. Thần tích:

    Nước Việt Nam xưa trời đất đã định vị, núi sông đã phận gianh sách trời. Sao đức chân đã phân rõ biên cương. Triều Hùng Vương mở mang nghiệp nước Thánh Tổ ứng đỗ được 18 đời. Hùng Duệ Vương - là người đại lược hùng tài nối nghiệp tổ tiên đời thứ 18. Ông là người một lòng tu nhân tích đức, luôn luôn phòng bị quân tinh nhuệ nơi biên cương để bảo vệ cuộc sống yên bình trong nước.

    Truyền rằng: Cuối thời Hùng, Hùng Duệ Vương sinh được 20 nam hoàng tử và 6 nữ công chúa. Nhưng dần dần chết cả chỉ còn lại hai người con gái. Công chúa thứ nhất là Tiên Dung công chúa lấy Chử Đồng Tử. Con gái thứ hai là Ngọc Hoa công chúa Thiên cung. Các cô đều mặt hoa da phấn, dung mạo tốt tươi khiến hoa hờn nguyệt thẹn. Vua ra chiếu chỉ truyền khấp trong thiên hạ, ai là người thông minh tài chí, đức độ an dân Vua sẽ gả Công chúa cho. Vừa nghe chiếu chỉ Vua ban, trạng nguyên khắp nơi đều nô nức đến ứng thi. Ba anh em Sơn Thánh cùng đến tham gia và đều trúng tuyển, riêng có Sơn Thánh có nhiều tài thiên thông tuyệt địa, có phép chuyển núi rời sông nên được triệu công chúa về làm vợ. Sơn Thánh trở về Sơn Cương hành lễ bái tạ rồi cùng hai em là các cận thần tay chân đắc lực của mình trở lại triều đình giúp Vua trị nước. Nhà vua vô cùng yêu mến liền phong cho Sùng Công và Hiển Công là " Đệ nhất đại phu".

    Truyền rằng: Xưa kia, vua Hùng Duệ Vương có người chú ruột tên là Hùng Thuận Công, vốn là bậc danh y nổi tiếng, vợ là nữ quí công Nguyễn Thị Phương người trang Cao Xá, Huyện Đa Cẩm, Phủ Hồng Châu, Đạo Hải Dương. Một đêm trong giấc chiêm bao Quí Công thấy có một người đội mũ quan tay cầm chiếc gậy tầm xích đưa cho hai vợ chồng Hùng Thuận Công. Quý công tỉnh dậy mới biết mình mộng ứng. Từ đó nữ Quý công Nguyễn Thị Phương có mang. Năm tròn tháng đủ, ngày mồng Mười tháng Mười năm Kỷ Sửu, bà Phương sinh được một cậu con trai dung mạo khác thường. Khi hài tử ra đời trong nhà bỗng có mùi thơm kỳ lạ. Cậu bé mặt vuông chữ điền tai to, thân hình cao lớn, thể diện khôi ngô, hai tay nắm như hai viên ngọc hồng. Quý công liền đặt tên con là Tam Quan. Tam Quan học giỏi tài cao, văn chương quán triệt, võ nghệ tinh thông, y phương kỳ diệu, pháp thuật cao cường như phù thuỷ. Năm 20 tuổi cha mẹ chắng may qua đời, sau ba năm phục tang cha mẹ, vừa lúc chiếu chỉ Vua truyền mở khoa thi tuyển chọn nhân tài. Tam Quan dự thi và trúng Đệ nhất khôi danh thiên hạ, được nhà vua vô cùng yêu mến. Từ đó Tam Quan kết giao với Sùng Công và Hiển Công. Họ coi nhau như anh em ruột.

    Truyền rằng: Duệ Vương tại vị 105 năm. Thục Vương (thuộc bộ Ai Lao cũng người dòng dõi nhà Hùng) thừa cơ phát binh cứu viện nước láng giềng, mang 100 vạn quân và 8 nghìn binh mã phân đường đánh nước ta. Một đạo đi theo đường Tuyên Tiên tụ long Bảo Lạc, một đạo đi theo đường châu Bảo Lạc, một đạo đi theo châu Linh Minh - Bố chính, một đạo đi Ái Châu - Hải Dương. Chúng đi đến đâu trống dậy vang trời tinh kỳ rợp đất. Tin tức từ biên cương khẩn cấp báo về. Duệ vương vô cùng lo lắng, bèn cho vời Sơn Thánh đến, Sơn Thánh nói:

     - Nay quốc phú bình cường, ân đức của bệ hạ thấm nhuần tới mọi người dân, oai phong của bệ hạ vang xa tới tận miền hải ngoại. Người Thục không thể lấy gì giữ vững được, nhất dịnh chúng sẽ thất bại, bệ hạ lấy nghĩa mà quy phục lòng dân, mọi người sẽ đi theo bệ hạ đánh giặc, hà tất phải lo.

    Ngay hôm đó vua hồi triều thu phục nhân tâm, ba khu thuộc trang Cao Xá mỗi khu có 20 người tham gia làm gia thần tay chân giúp Vua đánh giặc. Tam Công cũng hồi triều bái tạ đức vua và lập tức cùng Sơn Thánh dẫn quân tiến thẳng đến những nơi có quân giặc mà đánh. Với khí thế hùng dũng oai phong, tả xung hữu đột, linh uy thuỷ khí như trời, Thục quân không kịp trở tay, người ngựa không còn một mống, Thục quân đại bại, Thục vương vội vàng bỏ chạy về nước. Sơn Thánh dâng biểu đem tin thắng trận trở về tâu Vua. Vua triệu về đại khai yến tiệc chúc mừng và phong thưởng các tướng sĩ theo từng cấp bậc. Vua liền phong cho Sơn Thánh là: "Nhạc phủ kiêm thượng đẳng thần." Tam Quan công là: "Tam Quan Đại vương". Sùng Công là :"Pháp thiên đại vương". Hiển Công là: "Đô thiên đại vương". Chuẩn miễn thuế cho Cao Xá trang, binh dung thuế khóa các dịch để cho Tam công về sau có nơi hưởng thần. Tam công (ba anh em) hành lễ bái tạ nhà vua và đón sắc phong. Sau đó trở về Cao Xá trang đại khai yến tiệc chúc mừng, mời nhân dân phụ lão đến ban rượu ngọt. Từ đó, Tam công cư trú tại trang Cao Xá khuyến khích nhân dân cày cấy trồng dâu nuôi tằm, điều lợi ngày một phát triển, tai ương ngày một tiêu trừ. Các ông thật là những người có công lớn với dân làng vậy.

          Được ba năm, Thục vương lại mang thượng thư đến cầu hòa. Vua liền mời Sơn Thánh đến hỏi. Sơn Thánh tâu với Vua:

    - Nhà Hùng nắm cơ đồ đất nước mười tám đời, lòng trời có hạn, khiến cho hai mươi hoàng tử của bệ hạ đều ngao du ở chốn tiên bồng mà không ai có nguyện vọng kế thừa ngôi báu. Thục vương lại thừa cơ gây hận đến xâm phạm, phải chăng cũng là ý trời lúc Rồng nhà Hùng đã đến cuối đời. Vả lại, Thục vương tuy thuộc bộ tộc Ai Lao nhưng chủ nhiên cũng là con cháu Hoàng gia, trước kia còn ngông cuồng bừa bãi ngang nhiên hoành hành, nay lại xin cầu hòa, người biết tiến, biết lui cũng là bậc hiền quân. Bệ hạ làm sao yên một cảnh trời Nam mà cưỡng theo ý trời được. Chi bằng nhường ngôi báu cho Thục vương, sau đó thần và bệ hạ đã có sự hỗ trợ của thần tiên biến hóa. Biến giao tranh chốn Bồng Lai không kể tuổi già, giấc phượng lên rồng cũng là do ý chí hào hùng nơi trần thế.

    Vua nghe nói vậy liền cho vời Thục vương đến nhường ngôi cho. Xong việc vua cùng Sơn Thánh và Tam Quan thần, Thần pháp thiên thần, Đô thiên thần ngày hôm sau cùng thăng thiên hóa sinh bất tuyệt.

    Truyền rằng: Thục vương đã lên ngôi vẫn biết ơn vua Hùng Duệ Vương đã nhường cho ngôi báu, bèn trùng tu miếu điện tại Nghĩa Sơn để phụng sự các Thánh triều Hùng Vương. Lại trùng tu miếu điện tại Tản Lĩnh để phụng sự Sơn Thánh cùng các tạ hữu cận thần, Tam Quan thần. Nơi nào lập cung thì nay tất cả lập miếu để phụng sự lưu truyền hương hoa vạn đại vô cương. Thịnh thay:

    Nhất phong Tam Quan thần vị đại vương, nhất phong Pháp Thiên thần vị đại vương, nhất phong Đô thiên thần vị đại vương, chuẩn hứa Cao Xá trang 3 khu cùng phụng sự. Tức là: Làng Cao Xá thờ ông Tam Quan đại vương; Làng Đào Xá thờ ông Pháp thiên thần (Sùng Công); Làng Đỗ Xá thờ ông Đô thiên thần (Hiển Công).

    Truyền rằng: Từ đó về sau qua các triều đại: Tiền Lê đến Đinh, Lê, Lý, Trần.... các ngài đều linh thiêng hiệu ứng, hộ quốc an dân nên có nhiều các bậc Đế vương đã sắc phong mỹ tự để ngàn năm huyết thực vạn đại vô cương kỳ diệu thay.

    - Nhất phụng khai sinh hóa các tịch và huý tự thiết cấm: Quan; Sùng; Hiển; sắc phục hồng tía hành lễ.

    - Nhất sinh thần Tam Quan thần ngày 10 tháng 10 (Lễ dùng thượng chay, hạ thịt trâu, bò, xôi rượu, ca hát mười ngày).

    - Nhất sinh Thần Pháp thiên. Đô thiên thần (2 anh em sinh đôi) ngày 07 tháng 11.

                                   ( Lễ dùng thượng chay, hạ lợn đen xôi rượu ca hát năm ngày).

    Nhất Hóa Thần Pháp thiên, Đô thiên thần ngày 10 tháng 11 ( Lễ dùng lợn)

    Nhất khánh hạ ngày 12 tháng 5 ( Lễ dùng lợn đen, xôi rượu, ca hát một ngày)

    Nhất khánh hạ ngày 15 tháng 8 ( Lễ dùng lợn đen xôi rượu ca hát một ngày)

    Nhất khánh hạ ngày 10 tháng 3 ( Lễ dùng lợn đen xôi rượu, ca hát một ngày )

     

    Hồng phúc nguyên niên; Một nghìn năm trăm bảy mươi hai (1572) tháng Hai ngày lành, Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn.

    Vĩnh hựu thứ 8 ( 1742 ) tháng 3 ngày lành, quản chiếu bách thần chính trị điện hùng tấn thiếu khanh thần Nguyễn Hiền tái biên sao y bản chính.

    Tự Đức thứ 10 ( 1857 ) phủ Kiến Thuỵ, huyện Kim Thành tổng Ngọ Dương, xã Đình Ngọ (Nguyễn Sĩ phụng thư)

    Tự Đức thứ 34 ( 1881 ) tháng 3 ngày lành bản ấp thí sinh Nguyễn Nhai phụng thứ bảng khố thư bài tiến.

     

    SẮC PHONG: (13 đạo sắc phong hiện còn lưu giữ tại Đình Cao Xá)

    1- Sắc Tam quán thần thông cư sĩ quảng uy trợ thuận linh ứng hộ quốc tế thế an dân, huy mục trừ tích pha hóa hoang hữu tịch khánh, quang ân, hùng liệt, hoàng tân minh minh, tài trí hùng thôn, vĩ lược, tế thế mậu công, an dân hòa chúng, yên do thịnh liệt, huyện đức phong công thỏả do dịch triết võ nghị thanh, văn thần võ hiển hách đại vương. Tự thiên minh đức đặc địa trung linh, hãn hoạn trừ tà, hạp cảnh nguyện an minh chi khánh, dương uy trợ khẩn nhất thông thần đang địch, chi huân đôn tổng thức khải chu văn bản biến tải xưng nghị lễ vi.

    Hoàng gia hưng, đề hỗn nhất lễ dương đăng trật ứng gia phong mỹ tự, Tam tự, khải gia phong tối linh Tam Quan thần thông cư sĩ quảng uy trợ thuận linh ưng hộ quốc tế thế an dân, huy cục trữ tích pha hỏa hoang hựu tích khánh quang ân hồng, liệt hoàng tìm minh dân, phù quốc cương nghị chí đức anh vộ khoan nhận thông minh như trí dũng hùng thân vĩ lược tế thế mận công an nhân, ban chúng uyên do thịnh liệt huyền đức phong công thỏả do dịch triết võ nghị thánh văn thần võ hiển hách hậu đức chi nhân thần danh đại vương, Cố sắc.

    Quang Trung thứ 4 ( 1791) ngày 03 tháng 9.

    2- Sắc chỉ Hải Dương tỉnh, Cẩm Giàng huyện, Cao An xã tòng hiểu phụng sự Bảo Đại định công tư chính linh viễn đô thịnh trung dâng thần hùng Trần Tam Quan chí thần linh chiến pháp thiện chi thần triết kinh ban cấp.

    Sắc phong chuẩn kỳ phụng sự. Tự Đức năm thứ 31 ( 1878) chính bản, Trần ngũ tuần đại khai khánh tiết kinh bản bảo, chiếu bản ân lễ long đăng trật dặc chuẩn hứa cựu phụng sự chí quốc khánh nhi thần tự điểm khâm tai.

    Tự Đức thứ 33 ngày 24 tháng 11 năm 1880.

    3- Cảnh Hưng thứ 28 ngày 8 tháng 8 (1768)

    4- Cảnh Hưng thứ 44 ngày 16 tháng 2 ( 1784)

    5-  Cảnh Hưng thứ 44 ngày 26 tháng 7 ( 1784)

    6- Chiêu Thống nguyên niên ngày 20 tháng 3 (1787 )

    7- Duy Tân thứ (?) ngày 11 tháng 8 (1909 )

    8- Đồng Khánh thứ 2 ngày 01 tháng 7 (1887)

    9- Khải Định thứ 9 ngày 25 tháng 7 ( 1925)

    10- Cảnh Thịnh thứ 4 ngày 21 tháng 5 (1796 )

    11- Vĩnh Khanh thứ 2 ngày 10 tháng 12 (1730)

    12- Vĩnh Thịnh thứ 6 ngày 10 tháng 8 ( 1710)

    13- Tự Đức thứ 10 ngày 06 tháng 12 (1858 )

     

    Trên đây là lược sử tóm tắt về lai lịch và thần tích của các ngài Tam Quan thần vị đại vương (Tam Quan Công) Pháp thiên thần (Sùng Công) và Đô thiên thần (Hiển Công) cùng các vị thánh nhân được lưu danh trong lịch sử. Các ngài là những tấm gương văn võ song toàn, kiên trung, anh dũng trong chiến đấu, sẵn sàng hy sinh thân mình vì lòng trung quân ái quốc. Sự hi sinh và công đức lớn lao của các ngài đã để lại cho hậu thế niềm tự hào và quyết tâm phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Những hy sinh, cống hiến của các ngài đã trở thành tấm gương lưu quang cho các thế hệ người dân các thôn trong xã Cao An nói riêng, người dân Việt Nam nói chung học tập, noi theo. 

    Được sống trong cuộc sống hòa bình, tự do hôm nay, chúng ta nguyện ra sức phấn đấu rèn luyện về thể chất, tâm hồn, nâng cao trình độ về mọi mặt để cống hiến cho quê hương, đất nước, đưa quê hương đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, văn minh và giàu đẹp./.